Bệnh viện được thành lập theo Quyết định số 417/QĐ-UB ngày 22/07/1977 với tên gọi Viện Điều Dưỡng Thành phố trực thuộc Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 10/03/1998 được đổi tên Bệnh viện Điều Dưỡng – Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp theo Quyết định số 1231/QĐ-UB-NC. Ngày 25/12/2014 được đổi tên thành Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp theo Quyết định số 6373/QĐ-UBND.
I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH:
Bệnh viện được thành lập theo Quyết định số 417/QĐ-UB ngày 22/07/1977 với tên gọi Viện Điều Dưỡng Thành phố trực thuộc Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 10/03/1998 được đổi tên Bệnh viện Điều Dưỡng – Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp theo Quyết định số 1231/QĐ-UB-NC. Ngày 25/12/2014 được đổi tên thành Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp theo Quyết định số 6373/QĐ-UBND.
Ngày đầu tiên thành lập được giao 90 biệt thự lầu song lập thuộc lô 2 và lô 4 khu cư xá Rạch Ông làm khu điều dưỡng cán bộ Thành phố. Đến nay, với cơ chế hoạt động mới, bệnh viện đã cải tạo lại các khu nhà cũ thành các khu điều trị liên hoàn. Với quá trình phát triển không ngừng về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị … bệnh viện đã luôn đáp ứng tốt cho nhu cầu phục vụ bệnh nhân ngày càng cao của người dân thành phố và người dân các vùng lân cận.
Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ.
Bệnh viện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp và tổ chức an dưỡng cho người bệnh và các đối tượng khác có nhu cầu.
Bệnh viện chịu sự quản lý toàn diện của Sở Y tế về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành y tế thành phố.
Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp là bệnh viện chuyên khoa, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Trụ sở làm việc của Bệnh viện đặt tại: 313 đường Âu Dương Lân, phường 2, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại liên lạc: 08. 38516953 - Đường dây nóng: 0967.761.010
II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT
Ngày 22/7/1977 bệnh viện được thành lập với tên gọi : Viện điều dưỡng Thành phố và được giao 90 căn biệt thự song lập.
Cơ sở vật chất của bệnh viện thời gian này cây cối rất um tùm nhiều nhất là cỏ voi, sau khi được thành lập Ban Giám đốc bệnh viện chỉ đạo cho nhân viên vừa làm công tác chuyên môn của mình vừa tham gia cải thiện đời sống bằng cách trồng cây ăn trái như chuối, mít, mãng cầu…cây thuốc và đào ao nuôi cá. Thực hiện làm hàng rào bằng sắt và kẽm gai để phân chia ranh giới đất của bệnh viện với người dân. Từ năm 1979 , Bệnh viện có chương trình tăng gia sản xuất trồng bắp, đậu ở suối nghệ, Bà Rịa Vũng Tàu và trồng lúa ở Cà Mau.
Từ năm 1982, bệnh viện tiếp tục duy trì chăm sóc cây ăn trái, trồng thêm bạch đàn khu vực luyện tập thể thao ngày nay. Bên cạnh đó, hàng năm đều duy trì vét ao mỗi năm một lần.
Năm 1990 cải tạo đường nội bộ bằng đất thành đường nhựa
Từ năm 2002: Lấp dần các ao để mở rộng các khoa phòng trong bệnh viện. Hợp tác với HI xây dựng khoa PHCN Tổn thương tuỷ sống; Cải tạo khoa Ngoại 1, khoa Nội Tổng hợp, một phần khoa PHCN Vật lý trị liệu thành một khối; Cải tạo khoa Ngoại 2, phòng mổ, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn thành một khối; Xây mới sân luyện tập thể thao; Đây cũng là giai đoạn Bệnh viện xây dựng hàng rào sau khi dân chiếm một phần (còn lại như hiện nay)
Từ tháng 8/2009 : xây dựng hệ thống xử lý nước thải; Gia cố tường rào khoa Khám bệnh, khoa PHCN Vật lý trị liệu ; Gia cố mặt dựng cổng A ; Gia cố tường rào cổng B, khu C; Cải tạo, sửa chữa khu vực nhà tập thể (41- 42) thành phòng bệnh Khoa PHCN tổn thương tuỷ sống
Từ 2013 đến nay : Cải tạo khu nhà tập thể còn lại thành khoa bệnh nghề nghiệp ; Xây dựng mới 10 phòng khám; Xây mới satodo cấp nước; Cải tạo hệ thống cấp nước khoa Nội 1, Ngoại 1, Ngoại 2, Hành chính, Tuỷ sống; Cải tạo các phòng khoa PHCN Vật lý trị liệu; Cải tạo khoa Hồi sức tích cực, đơn vị thận nhân tạo
III. QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG
Năm 1998, Bệnh Viện được Ủy Ban nhân dân Thành Phố và Sở Y Tế giao nhiệm vụ phục vụ các đối tượng bệnh nhân, trong đó đa số là bệnh nhân thuộc diện đối tượng chính sách có công, cán bộ lão thành cách mạng và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước ta, Ban Giám Đốc và tập thể cán bộ viên chức bệnh viện luôn cố gắng hết sức mình, nâng cao tinh thần phục vụ bệnh nhân, tận tình chăm sóc bệnh nhân. Bệnh viện thường xuyên cải tạo lại khuôn viên bệnh viện theo hướng xanh – sạch – đẹp; bệnh viện trong công viên, trồng nhiều cây xanh để góp phần bảo vệ môi trường và tạo được một môi trường, không khí trong lành giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe. Bệnh viện cũng nâng cấp phòng bệnh và trang bị đúng chuẩn giường bệnh cho các khoa nhằm đáp ứng kịp thời và đầy đủ cho nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân.
Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn được thực hiện tốt. Song song với tăng cường khám chữa bệnh nội - ngoại trú, bệnh viện cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính giúp bệnh nhân thuận tiện trong việc khám và điều trị bệnh, thực hiện quy tắc ứng xử, đa dạng các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người bệnh, đa dạng các kỹ thuật PHCN, đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên Y tế…Với nhiệm vụ phục vụ các đối tượng thuộc diện chính sách có công, cán bộ lão thành cách mạng và các Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, bệnh viện cũng đã thực hiện việc miễn giảm: miễn phí hoàn toàn cho mẹ Việt Nam Anh Hùng, ưu tiên cho Cán bộ hưu trí, bệnh viện cũng thực hiện tốt miễn giảm cho bệnh nhân nghèo.
Thực hiện tốt công tác chăm sóc các đối tượng chính sách:
+ Miễn phí hoàn toàn với Mẹ Việt Nam Anh hùng
+ Chăm sóc đối tượng bảo hiểm Y tế
+ Tăng cường chăm sóc người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật
+ Hướng nghiệp, giúp người khuyết tật chuẩn bị hòa nhập cộng đồng
Về thực hiện chỉ tiêu giường bệnh, bệnh viện luôn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh được giao hàng năm.
Xây dựng mới 02 phòng mổ, triển khai tốt phẫu thuật chỉnh hình
Bện cạnh đó để phục vụ tốt cho công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, hằng năm bệnh viện đều có các đề tài nghiên cứu của các bác sĩ nhằm rút ra các kinh nghiệm trong công tác khám và điều trị bệnh, cũng như phục vụ tốt hơn cho công tác điều trị. Các đề tài đã được ứng dụng thực tế trên lâm sàng như chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đánh giá đề kháng kháng sinh, hiệu quả của mô hình PHCN tổn thương tủy sống theo mô hình Quốc tế …
Trong hệ thống riêng của chuyên ngành về PHCN toàn quốc, bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp trong những năm qua luôn dẫn đầu về các chỉ tiêu chuyên môn và có nhiều đóng góp trong công tác PHCN cũng như đã có mô hình PHCN đa chuyên ngành phục vụ cho từng khoa được Bộ Y tế và các chuyên gia Quốc tế đánh giá cao. Là bệnh viện đầu tiên trong cả nước có Khoa Phục hồi chức năng Tổn thương tủy sống theo mô hình Quốc tế từ dự án hợp tác với tổ chức Handicap International Bỉ, từ đó bệnh viện đã nhân rộng mô hình này cho cả nước. Ngoài ra, Bệnh viện cón đi đầu trong các lĩnh vực phát triển mới của ngành PHCN như: Hoạt động trị liệu (người lớn và trẻ em), Thủy trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, Hướng nghiệp trị liệu, Thể dục thể thao trị liệu, PHCN hô hấp, PHCN tim mạch.
Bệnh viện không ngừng phát triển chuyên môn về vật lý trị liệu – PHCN : được đẩy mạnh cả về số lượng nội trú và ngoại trú với hiệu quả ngày càng cao, được bệnh nhân tin tưởng. Phát triển chuyên sâu về phục hồi chức năng, triển khai sâu vào mảng ngôn ngữ trị liệu, Thủy trị liệu, Hoạt động trị liệu … Đa dạng hóa các sản phẩm chỉnh hình. Xây dựng bệnh viện PHCN theo mô hình quốc tế để theo kịp các nước trong khu vực. Được các chuyên gia PHCN của thế giới đánh giá cao về mô hình. Giúp bệnh nhân tàn tật phục hồi và hòa nhập cộng đồng, hướng nghiệp … được các tổ chức Quốc tế đánh giá cao về mô hình này. Được Bộ Y tế đánh giá là bệnh viện có mô hình PHCN tốt, PHCN Tổn thương tủy sống theo mô hình Quốc tế so với cả nước, đã được các tỉnh trong nước và các chuyên gia Quốc tế về PHCN đến tham quan học tập
Công tác thực hiện đề án 1816:
Bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ Chỉ đạo tuyến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về PHCN. Bệnh viện đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Yên, Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre…, hoạt động này đã đem lại hiệu quả đáng kể cho các hoạt động chuyên môn của các bệnh viện tuyến Tỉnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện đã hợp tác với tổ chức Handicap International Bỉ với sự tài trợ của Chính phủ Vương quốc Bỉ và Luxembourg để thực hiện dự án “Hình thành khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống” và dự án “Hình thành xưởng dụng cụ chỉnh hình đa năng”. Bệnh viện chỉ cung cấp diện tích đất, còn toàn bộ kinh phí thực hiện việc xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị y tế và chuyên viên đào tạo chuyên môn phục vụ cho hai dự án này đều do tổ chức Handicap International tài trợ với tổng kinh phí 500.000USD. Dự án này kéo dài từ năm 2003 đến năm 2007. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống với thời gian đầu chỉ có 30 giường bệnh nhưng cho đến nay, do nhu cầu xã hội bệnh nhân tổn thương tủy sống ngày càng tăng nên đã tăng lên 70 giường bệnh.
Hiện tại Khoa PHCN Tổn thương tủy sống của Bệnh viện là một đơn vị điều trị PHCN Tổn thương tủy sống hàng đầu của cả nước, điều trị theo nhóm đa chuyên môn theo mô hình PHCN Quốc tế. Nhân viên của Khoa từ Bác sĩ, Kỹ thuật viên, Hoạt động trị liệu viên, Điều dưỡng đều được đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ, phương pháp sư phạm ở nước ngoài cũng như cùng làm việc thường xuyên với các chuyên gia từ các nước: Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thái Lan … đến luôn phiên làm việc tại khoa và đa số đã được đi tu nghiệp tại Bỉ, Bangladesh, Thái Lan do dự án tài trợ. Khoa đã chuyển giao kỹ thuật PHCN các tổn thương tủy sống cho các Tỉnh phía Bắc và phía Nam: Bệnh viện Bạch Mai, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Yên, Hà Tĩnh, Sơn La, Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre, Bình Thuận. Khoa PHCN Tổn thương tủy sống của bệnh viện là thành viên của hiệp hội Tủy sống Châu Á và Hiệp hội Tủy sống Thế giới, được công nhận trong hệ thống đào tạo Quốc tế về Tủy sống ( các sinh viên Cao học VLTL của Đại học Công giáo Louvain – Bỉ đến thực tập năm cuối tại khoa).
Xưởng dụng cụ chỉnh hình của bệnh viện là một xưởng dụng cụ chỉnh hình đa năng hàng đầu của các tỉnh phía Nam được thành lập dưới sự hợp tác của tổ chức Handicap International và tổ chức JICA của Nhật. Tất cả các nhân viên của xưởng từ Bác sĩ, Kỹ thuật viên VLTL, Kỹ thuật viên chỉnh hình đều được đào tạo ở nước ngoài (Bỉ, Thái Lan) và cũng thường xuyên được làm việc chung với các chuyên gia Bỉ, Pháp, Đức đến luôn phiên làm việc tại xưởng. Ngoài những dụng cụ chỉnh hình thông thường, xưởng là đơn vị đầu tiên trong các tỉnh phía Nam làm được ngón tay, ngón chân giả thẩm mỹ bằng silicon. Cũng là xưởng dụng cụ chỉnh hình đầu tiên phát triển về dụng cụ chỉnh hình cho bàn chân dùng cho các bệnh nhân bị dị dạng, mất một phần bàn chân cũng như cung cấp dụng cụ lót chân cho bệnh nhân tiểu đường có các biến chứng ở bàn chân.
Ngoài ra, bệnh viện còn hợp tác với tổ chức Riziere Pháp trong PHCN bệnh nhi: Tổ chức Riziere là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển Phục hồi chức năng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:
- Hằng năm bệnh viện đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Ngoài ra bệnh viện còn là cơ sở thực tập của các trường như: Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp Phương Nam, Trường Trung cấp kỹ thuật Nam Sài Gòn, Trường trung cấp Kỹ thuật Quang Trung, Đại học Quốc tế Hồng Bàng .
- Bên cạnh đó, bệnh viện còn là cơ sở đào tạo, thực hành cho các nhân viên của các bệnh viện tuyến huyện và các tỉnh phía Nam đến học tập về Phục hồi chức năng.
- Tổ chức đào tạo lớp PHCN cơ bản cho các bác sĩ thuộc các bệnh viện trong thành phố và các tỉnh lân cận
V. THÀNH TÍCH KHEN THƯỞNG:
Quyết định số 2113/QĐ-TTG ngày 16 tháng 12 năm 2009 về việc đã có nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc
Quyết định số 546/QĐ-BYT ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Bộ Y tế đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch y tế
Huân chương Lao động hạng III năm 2012
Quyết định số 4614/QĐ-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2009 của Bộ Y tế đã có thành tích Xuất sắc trong công tác thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế
Quyết định số 1250/QĐ-BYT ngày 26 tháng 04 năm 2011 của Bộ Y tế đã có thành tích Xuất sắc trong công tác thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế giai đoạn 2008 – 2010
Đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện nhiều năm liền.
Nhiều cờ thi đua và bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố
Đảng bộ, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh liên tục nhiều năm liền
VI. HƯỚNG PHÁT TRIỂN :
Bệnh viện tiếp tục phát triển chuyên ngành PHCN theo hướng hiện đại, từng bước tạo được vị thế của bệnh viện đối với Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và với Ngành Y tế cả nước nói chung. Phấn đấu chuyển từ bệnh viện hạng II lên hạng I để thực hiện tốt nhiệm vụ là tuyến cuối về PHCN của thành phố và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.